Tác động của biến chứng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật cắt thực quản đối với tiên lượng và chiến lược điều trị ở bệnh nhân ung thư thực quản

bởi Trần Trung Bách
90 lượt xem

Phẫu thuật ung thư thực quản là phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng tỉ lệ biến chứng cao, 41,9% ở Nhật Bản; tử vong trong 30 ngày sau pt và tử vong liên quan đến pt chiếm gặp ở 1,2% và 3,4%.

Hai biến chứng nhiễm khuẩn hay gặp nhất sau phẫu thuật thực quản là biến chứng hô hấp và rò khí thực quản.

Biến chứng hô hấp cụ thể là viêm phổi sau phẫu thuật ảnh hưởng xấu tới sống thêm. Theo nghiên cứu JCOG9907, nhóm BN có viêm phổi (22/152, 14,5%) có OS thấp hơn (HR: 1.82, 95% CI 1.01-3.29), PFS có xu hướng ngắn hơn (HR: 1.50, 95% CI 0.85-2.62). Nghiên cứu phân tích gộp của tác giả cũng cho kết quả tương tự, nhóm viêm phổi có OS 5 năm, CSS 5 năm, DFS 5 năm đều thấp hơn có ý nghĩa.

Biến chứng rò sau phẫu thuật xảy ra ở 8.5-13.8%. Theo nghiên cứu JCOG9907, tỷ lệ sống thêm là giống nhau ở 2 nhóm có và không có biến chứng rò. Ngược lại, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy biến chứng rò ảnh hưởng xấu đến sống thêm, cả về OS, CSS và DFS.

Nhìn chung, biến chứng sau phẫu thuật có ảnh hưởng xấu tới tỷ lệ sống thêm. Có thể do các biến chứng này làm trì hoãn điều trị bổ trợ dẫn tới tăng tái phát.

Các cytokine viêm đặc biệt là CXCL8 và các receptor của nó CXCR1 CXCR2 liên quan đến sự hình thành và phát triển của tế bào ung thư. Trong các trường hợp biến chứng viêm sau phẫu thuật thực quản, nồng độ các cytokine này tăng trong máu và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến ảnh hưởng xấu của các biến chứng này với tỷ lệ sống thêm.

Ở mức độ tế bào, CXCL8 kích hoạt receptor CXCR1/CXCR2 từ đó hoạt hóa con đường PLC/ PKC, PI3K/Akt. Thêm vào đó CXCL8 cũng kích hoạt một số tyrosine kinase không phụ thuộc receptor (ví dụ: Src, FAK) và Rho-GTPase. Cuối cùng, con đường Raf-1/MAP/Erk kích hoạt bởi CXCL8 cũng đóng góp vào sự tăng sinh và tồn tại của tế bào. 

Tín hiệu từ CXCL8/CXCR2 làm giảm bộc lộ gen SFRP1, từ đó làm tăng biểu hiện con đường Wnt/Frizzled, cũng làm ảnh hướng đến sinh trưởng, biệt hóa tế bào. Sự ức chế gen SFRP1 có thể là một cơ chế của tín hiệu CXCL8/CXCR2 khiến tế bào tăng sinh trong ung thư vảy thực quản.

Sự phối hợp đa chuyên khoa bao gồm phẫu thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ phục hồi chức năng, nha sĩ và dược sĩ trong quản lý bệnh nhân về dinh dưỡng, kiểm soát nhiễm trùng và chăm sóc giảm nhẹ đã góp phần làm giảm tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật, cụ thể là viêm phổi sau phẫu thuật, giảm tình trạng sụt cân, từ đó góp phần cải thiện sống thêm lâu dài. Chương trình hỗ trợ này bao gồm: theo dõi tình trạng răng miệng, dừng hút thuốc uống rượu, đánh giá luyện tập thể dục, tập thở, theo dõi và hỗ trợ dinh dưỡng, kiểm soát đau, vận động sớm, dinh dưỡng sớm, đánh giá nuốt.

Ngày nay, các phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu ngày càng được áp dụng rộng rãi. Các nghiên cứu cho thấy phẫu thuật nội soi trung thất có tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật cao hơn so với phẫu thuật mở. Tuy nhiên, những nghiên cứu gần đây trong việc áp dụng phẫu thuật nội soi robot đưa ra những kết quả khả quan, tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật thực quản giảm đi có ý nghĩa khi so với phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi kinh điển. Bên cạnh đó, việc áp dụng phẫu thuật nội soi thì bụng đi kèm với phẫu thuật mở hay nội soi thì trung thất đều cho thấy sự cải thiện giảm tỉ lệ biến chứng phổi cũng như biến chứng rò sau phẫu thuật, từ đó cải thiện về tỷ lệ sống thêm sau phẫu thuật cắt thực quản.

Hóa xạ trị đồng thời triệt căn cho thấy kết quả tương đương về OS so với phẫu thuật ở những bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn I/II/III. Đặc biệt ở nhóm bệnh nhân trên 65 tuổi hoặc thuộc giai đoạn I có tiền sử hút thuốc. Nhóm bệnh nhân này nếu gặp biến chứng viêm phổi cho thấy sự giảm có ý nghĩa của OS, do vậy hóa xạ đồng thời triệt căn là lựa chọn phù hợp cho nhóm này.

Những bài viết liên quan

Để lại bình luận