Xem lại tình huống lâm sàng: Kỳ 1
Ý kiến hai chuyên gia đến từ trung tâm ung thư MD Anderson: Kỳ 2
Trong kỳ 3 của chuỗi bài viết “Xạ trị bổ trợ ung thư đầu cổ cho người bệnh mang thai”, chúng ta tiếp tục đến với những bàn luận của hai tác giả Jenifer Ma và Nancy Y.Lee từ Khoa xạ trị ung bướu, Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Newyork, Hoa Kỳ).
Chỉ định xạ trị bổ trợ vẫn nên được xem là khuyến cáo chuẩn cho người phụ nữ trẻ tuổi đang mang thai này, sau một phẫu thuật triệt căn ung thư khoang miệng tiến triển tại chỗ, với nhiều yếu tố nguy cơ bao gồm: Khối u nguyên phát pT3, độ sâu xâm nhập >= 4 mm, diện cắt tiệm cận (<= 5mm), xâm nhập quanh thần kinh và di căn hạch. Vấn đề trở ngại quan trọng ở đây là người bệnh đang mang thai tuần thứ 17. Thông thường, xạ trị trong thời kỳ mang thai là chỉ định bị “né tránh” tối đa do nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ bào thai, có thể dẫn đến sảy thai, thai lưu và các dị dạng, bệnh lý ác tính do tia xạ.
Trong trường hợp này, do vùng thể tích bia dự kiến và vùng chậu có khoảng cách tương đối xa, vấn đề quan tâm chính nằm ở liều xạ ở ngoại vi, tạo nên bởi các tia bức xạ thứ phát (tán xạ) bên trong hay bên ngoài cơ thể người mẹ đến thai. Xạ trị vào 3 tháng giữa thai kỳ có thể dẫn đến chậm phát triển trí tuệ cho đứa trẻ sau khi ra đời. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, liều xạ trị ngoại vi đến thai dưới 0,1 Gy với liều chỉ định lên đến 66 Gy, sử dụng dụng cụ che chắn bằng chì cho vùng chậu.
Mặc dù chỉ có một liều xạ trị tương đối thấp đến thai, chúng ta vẫn sẽ có một buổi trao đổi kỹ càng cùng người bệnh về nguy cơ và lợi ích của xạ trị bổ trợ với photon, 60 Gy tại vùng u nguyên phát và cổ hai bên. Chúng tôi sẽ khuyến cáo người bệnh tìm đến một bác sĩ xạ trị có kinh nghiệm trong điều trị người bệnh mang thai. Chúng tôi cũng sẽ ưu tiên kỹ thuật xạ trị 3D hơn so với xạ trị điều biến liều do kỹ thuật này thường đi kèm với việc gia tăng các tia tán xạ bên trong cơ thể do việc sử dụng hệ chuẩn trực đa lá, do đó, có thể tăng liều xạ trị đến thai. Hình ảnh cộng hưởng từ không tiêm thuốc đối quang từ sẽ được sử dụng hỗ trợ lập kế hoạch. Liệu trình xạ trị sẽ diễn ra cùng với sự hỗ trợ chăm sóc, theo dõi chặt chẽ của một bác sĩ sản khoa. Chúng tôi sẽ không khuyến cáo điều trị toàn thân do nguy cơ ảnh hưởng đến thai và trong một bệnh cảnh không có sự hiện diện của “Diện cắt dương tính” hay “Xâm lấn vượt quá vỏ hạch”.
Kỳ 4 – Chỉ vì bạn CÓ THỂ, không đồng nghĩa là bạn NÊN…