Bài viết này được lược dịch từ bài báo có nhan đề: “Combined Therapy Can Improve the Outcomes of Breast Cancer with Isolated Supraclavicular Lymph Node Involvement” đăng trên tạp chí Cancer Management and Research tháng 11 năm 2020.
Nhóm tác giả Tianyi Ma, Yan Mao, Haibo Wang đến từ Bệnh viện Đại học Thanh Đảo (Thanh Đảo, Trung Quốc).
https://doi.org/10.2147/CMAR.S276996
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
Di căn hạch thượng đòn cùng bên trong ung thư vú gặp trên lâm sàng với tỉ lệ khoảng 1-5%. Trong đó bệnh nhân có thể di căn hạch thượng đòn cùng bên ngay tại thời điểm chẩn đoán ban đầu, hoặc tái phát di căn đơn độc tại hạch thượng đòn sau điều trị triệt căn. Một nghiên cứu hồi cứu đã chỉ ra tiên lượng của hai nhóm bệnh nhân này là như nhau (Xem bài: Ung thư vú di căn hạch thượng đòn cùng bên https://pro.ungthuhoc.vn/2190/). Vì vậy, nhóm bệnh nhân tái phát di căn đơn độc tại hạch thượng đòn cùng bên (metachronous ipsilateral supraclavicular lymph node metastasis – mISLM) có thể được hưởng lợi từ những phác đồ điều trị đa mô thức kết hợp giữa điều trị toàn thân và điều trị tại chỗ.
Tuy nhiên, hiện chưa có nhiều nghiên cứu về so sánh vai trò của xạ trị và phẫu thuật vét hạch thượng đòn trong điều trị nhóm bệnh nhân này. Chúng tôi thực hiện nghiên cứu này với mong muốn làm sáng tỏ vai trò của từng phương pháp điều trị tại chỗ trong giai đoạn này.
PHƯƠNG PHÁP/ CÔNG CỤ NGHIÊN CỨU
Chúng tôi hồi cứu bệnh án những bệnh nhân ung thư vú di căn hạch thượng đòn đơn độc (mISLM) điều trị tại Bệnh viện Đại học Thanh Đảo trong khoảng thời gian từ năm 2009 đến năm 2019. mISLM được định nghĩa là tái phát di căn đơn độc tại hạch thượng đòn sau điều trị triệt căn, và không xuất hiện di căn xa trong vòng 3 tháng từ thời điểm chẩn đoán mISLM. Nhóm bệnh nhân di căn hạch thượng đòn từ thời điểm chẩn đoán ban đầu không được lựa chọn vào nghiên cứu.
ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN
Các bệnh nhân đều được điều trị theo phác đồ chuẩn được phê duyệt tại Trung Quốc vào thời điểm chẩn đoán ban đầu và sau đó được theo dõi định kì bằng khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh 6 tháng/lần. Sau khi được chẩn đoán mISLM, các bệnh nhân được điều trị cá thể hóa. Cụ thể, các bệnh nhân được chia thành các nhóm: (1) nhóm điều trị toàn thân đơn thuần, (2) nhóm điều trị đa mô thức, nhóm này được chia thành 3 nhóm nhỏ bao gồm: (A) nhóm điều trị toàn thân phối hợp xạ trị vùng cổ, (B) nhóm điều trị toàn thân phối hợp vét hạch thượng đòn, (C) nhóm điều trị toàn thân phối hợp cả xạ trị vùng cổ và vét hạch thượng đòn.
PHÂN TÍCH SỐ LIỆU
Thời gian sống thêm không bệnh (DFS – được định nghĩa là thời gian từ khi chẩn đoán ban đầu đến khi xuất hiện mISLM), thời gian sống thêm bệnh không tiến triển (PFS – được định nghĩa là thời gian từ khi xuất hiện mISLM đến khi xuất hiện di căn xa), và thời gian sống thêm toàn bộ (OS) ở các nhóm được thống kê và phân tích với thuật toán Kaplan Meier. Mô hình Cox đa biến được sử dụng nhằm xác định các biến số có liên quan đến OS.
KẾT QUẢ
Trong số 13847 bệnh nhân ung thư vú điều trị tại trung tâm từ năm 2009 đến năm 2019, có 99 bệnh nhân mISLM thỏa mãn tiêu chuẩn nghiên cứu, trong đó có 43 bệnh nhân chỉ điều trị toàn thân đơn thuần và 56 bệnh nhân được điều trị đa mô thức.
Tuổi trung vị là 53 tuổi (33-74). Trung vị DFS là 24 tháng (2-168 tháng). Trung vị theo dõi trên 99 bệnh nhân là 36 tháng (5-110 tháng). Phân bố theo đặc điểm hóa mô miễn dịch tại thời điểm chẩn đoán ban đầu là: luminal (39,4%), triple negative (30,3%), Her2/neu +++ (30,3%). Tại thời điểm chẩn đoán mISLM, 16 bệnh nhân có sự thay đổi phân nhóm hóa mô miễn dịch, trong đó chủ yếu là chuyển từ nhóm luminal sang nhóm triple negative (11 bệnh nhân).
Trung vị theo dõi là 36 tháng. Trung vị PFS là 15 tháng, trung vị OS là 35 tháng. Tỉ lệ kiểm soát tại chỗ sau 1 năm, 2 năm, 3 năm lần lượt là 92,9%, 86,9%, và 84,8%. Nhóm bệnh nhân điều trị đa mô thức (n=56) có PFS và OS dài hơn đáng kể so với nhóm bệnh nhân điều trị hệ thống đơn thuần (p < 0,001). Không có sự khác biệt giữa hai nhóm về các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng về tuổi, giai đoạn TNM ban đầu, tỉ lệ phân nhóm hóa mô miễn dịch, và các điều trị bổ trợ.
Trong 56 bệnh nhân được điều trị đa mô thức, nhóm A (n=29) đạt được PFS dài hơn đáng kể so với nhóm B (n=13) và nhóm C (n=14) (p=0.007) (mPFS lần lượt là 31 tháng, 15 tháng, và 14,5 tháng). PFS giữa hai nhóm B và C không có sự khác biệt.
Hình 1. Đường cong Kaplan-Meier so sánh PFS và OS giữa ba nhóm
Trong nhóm A (nhóm bệnh nhân được điều trị hệ thống phối hợp xạ trị vùng cổ), 14 bệnh nhân không được xạ trị bổ trợ tại thời điểm chẩn đoán ban đầu. Sau khi được chẩn đoán mISLM, 14 bệnh nhân này được xạ trị tại thành ngực, hạch nách, hạch hạ đòn và thượng đòn với tổng liều xạ 50 Gy. 15 bệnh nhân còn lại đã được xạ trị bổ trợ tại thời điểm chẩn đoán ban đầu, trong đó có 3 bệnh nhân xếp giai đoạn pN0 sau phẫu thuật bảo tồn và chỉ xạ trị toàn vú trước đó. Sau khi được chẩn đoán mISLM, 3 bệnh nhân này được xạ trị thành ngực, hạch nách, hạch hạ đòn, thượng đòn nhưng tránh vùng đã xạ bổ trợ trước đó. Liều tích lũy của 3 bệnh nhân này là 50 Gy.
12 bệnh nhân còn lại xếp giai đoạn pN1-3 sau phẫu thuật ban đầu, và đã được xạ trị vùng hạch thượng đòn trước đó. Sau khi được chẩn đoán mISLM, 12 bệnh nhân này được xạ thêm tại vùng hạch thượng đòn 10-20 Gy. Tổng cộng, 17 bệnh nhân (58,6%) nhận được liều thông thường là 50 Gy, trong khi 12 bệnh nhân (41,4%) được boost thêm 10–20 Gy. Các đường cong Kaplan – Meier và các phân tích tỷ lệ sống thêm cho thấy xạ trị liều cao hơn (boost thêm vùng hạch thượng đòn 10-20 Gy) không đem lại khác biệt so với xạ trị liều thông thường (50 Gy) trên tỉ lệ tái phát tại chỗ (p=1,0), PFS (p=0.787), và OS (p=0.69).
Trong phân tích đa biến, tình trạng di căn hạch pN3 ngay từ thời điểm chẩn đoán ban đầu và điều trị đa mô thức (điều trị toàn thân phối hợp điều trị tại chỗ) tại thời điểm chẩn đoán mISLM là hai yếu tố ảnh hưởng đến PFS. Trong khi đó, xạ trị hạch cổ là yếu tố liên quan đến OS. Những bệnh nhân không được xạ hạch cổ sẽ ảnh hưởng xấu đến OS (HR=0,67, p=0,002).
KẾT LUẬN
Những bệnh nhân ung thư vú có mISLM, điều trị toàn thân kết hợp với điều trị tại chỗ có thể cải thiện PFS và OS so với chỉ điều trị toàn thân đơn thuần. Khi phối hợp với điều trị toàn thân, xạ trị có khả năng cải thiện PFS tốt hơn so với phẫu thuật. Tuy nhiên, các lựa chọn điều trị mạnh mẽ hơn như điều trị toàn thân kết hợp với cả xạ trị và phẫu thuật hoặc boost liều xạ tại vùng cổ không cải thiện được PFS hoặc OS ở nhóm bệnh nhân này.