Ung thư vú di căn hạch thượng đòn cùng bên: Di căn De-Novo và tái phát di căn hạch

bởi Phạm Duy Mạnh
180 lượt xem

Bài viết này được lược dịch từ bài báo có nhan đề: “A retrospective study of metachronous and synchronous ipsilateral supraclavicular lymph node metastases in breast cancer patients đăng trên tạp chí The Breast tháng 10 năm 2010.

Nhóm tác giả  Ying Fan, Binghe Xu, Yuqian Liao, Shuyang Yao, Yan Sun đến từ Chinese Academy of Medical Science, Peking Union Medical College (Bắc Kinh, Trung Quốc).

https://doi.org/10.1016/j.breast.2010.03.022

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Tỉ lệ di căn hạch thượng đòn cùng bên (ipsilateral supraclavicular lymph node metastasis – ISLM) trong ung thư vú dao động từ 1-4,3% tùy từng nghiên cứu. Di căn hạch thượng đòn có thể xuất hiện ngay từ đầu (T1-4N3M0) (synchronous metastasis – sISLM), hoặc xuất hiện sau điều trị triệt căn trước đó (metachronous metastasis – mISLM) và thường được xếp vào nhóm không còn khả năng điều trị triệt căn. Mặc dù đây là hai giai đoạn riêng biệt trên lâm sàng, tuy nhiên đều cùng chung vị trí di căn, vì vậy câu hỏi đặt ra là liệu có sự khác biệt nào trong các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, lựa chọn điều trị và các kết quả điều trị giữa hai nhóm bệnh nhân này. Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu làm sáng tỏ những điểm khác biệt trên.

PHƯƠNG PHÁP/ CÔNG CỤ NGHIÊN CỨU

Chúng tôi hồi cứu bệnh án của 2486 bệnh nhân ung thư vú được điều trị tại trung tâm của chúng tôi (Cancer Institute& Hospital, Chinese Academy of Medical Sciences) trong khoảng thời gian từ năm 2000-2005. Kết quả ghi nhận được 81 bệnh nhân di căn hạch thượng đòn cùng bên, trong đó có 33 bệnh nhân di căn hạch thượng đòn cùng bên denovo (T1-4N3M0) (sISLM), và 48 bệnh nhân được chẩn đoán tái phát di căn hạch thượng đòn cùng bên đơn độc (mISLM) (được định nghĩa là những bệnh nhân chỉ tái phát một vị trí duy nhất tại hạch thượng đòn, không tái phát tại hạch nách, thành ngực và không di căn xa trong vòng 3 tháng từ thời điểm chẩn đoán mISLM).

ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN

Bảng 1. Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng của hai nhóm bệnh nhân

ĐIỀU TRỊ

Trong nhóm bệnh nhân mISLM, 41 trong số 48 bệnh nhân (85,4%) được hóa trị bổ trợ nhưng chỉ có 6 bệnh nhân (12,5%) được xạ trị bổ trợ, trong đó có 5 bệnh nhân được xạ trị dự phòng hạch thượng đòn. Trong số 41 bệnh nhân được hóa trị bổ trợ, 25 bệnh nhân được điều trị phác đồ chứa anthracycline, 9 bệnh nhân được điều trị phác đồ chứa taxanes. Khoảng 1/3 bệnh nhân được điều trị nội tiết. Thời gian trung vị từ khi chẩn đoán ban đầu đến thời điểm xác định mISLM là 18 tháng (3–170 tháng). Sau khi chẩn đoán mISLM, 87,5% (42/48) bệnh nhân được hóa trị và 81,3% (39/48) bệnh nhân được xạ trị. Các bệnh nhân được điều trị bằng anthracyclines (20/42, 47,6%), vinorelbine (20/42, 47,6%), platinum (18/42, 42,9%), taxanes (14/42, 33,3%) và capecitabine (3/42, 7,1 %). Về xạ trị, đa sốbệnh nhân (34/39) được xạ trị thành ngực và vùng thượng đòn. Liều xạ thành ngực là 50 Gy (dao động 40–65 Gy). Liều xạ vùng thượng đòn là 60 Gy (dao động 50–70 Gy). Trong nhóm bệnh nhân được hóa trị và/hoặc xạ trị, tỷ lệ đáp ứng (CR + PR) là 85,5%. 34 bệnh nhân được hóa trị trước (70,8%) và 8 bệnh nhân (16,7%) được xạ trị trước.Chỉ có 3 bệnh nhân được vét hạch thượng đòn.

Trong số 33 bệnh nhân nhóm sISLM, 19 bệnh nhân được hóa trị trước, 13 bệnh nhân được phẫu thuật trước và 1 bệnh nhân được điều trị nội tiết. Tổng cộng 32 trong số 33 bệnh nhân (97,0%) được hóa trị, bao gồm 30 bệnh nhân được điều trị phác đồ chứa anthracycline và 21 bệnh nhân được điều trị phác đồ chứa taxane, đa số cũng được điều trị anthracycline. Tổng cộng 28 bệnh nhân (84,8%) được phẫu thuật. 26 bệnh nhân (78,8%) được xạ trị và tất cả đều được xạ trị cả thành ngực và vùng thượng đòn. Liều xạ thành ngực là 50 Gy (dao động 45–65 Gy). Liều xạ vùng thượng đòn là 60 Gy (dao động 45-74 Gy). Một số bệnh nhân cũng được xạ trị hạch nách 50 Gy   (dao động 45–65 Gy). Không có bệnh nhân nàođược xạ trị trước. Tỷ lệ đáp ứng (CR + PR) là 78,8% với những bệnh nhân được hóa trị và/hoặc xạ trị.

PHÂN TÍCH SỐ LIỆU

Tỷ lệ sống thêm không di căn xa (Distant Metastasis-Free Survival (DMFS), sống thêm toàn bộ (OS) ở hai nhóm được thống kê và phân tích với thuật toán Kaplan Meier. Mô hình Cox đa biến được sử dụng nhằm xác định các biến số có liên quan đến OS.

KẾT QUẢ

CÁC ĐẶC ĐIỂM BỆNH NHÂN

Các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng nhìn chung tương đồng giữa hai nhóm (p > 0,05). Nhóm bệnh nhân sISLM có xu hướng có u nguyên phát kích thước lớn hơn (p=0,046).

DMFS VÀ OS

Di căn xa xuất hiện ở 38 BN mISLM và 24 BN sISLM sau thời gian trung vị lần lượt là 20,1 tháng (4–82) và 25,6 tháng (5–73). Tỷ lệ DMFS tại thời điểm 2 năm là 38,5% và 41,3% ở hai nhóm và tỷ lệ DMFS 5 năm lần lượt là 19,1% và 26,7% (P = 0,334). Tại trung vị theo dõi 93 tháng, tỷ lệ OS 5 năm là 45,9% đối với mISLMvà 46,2% đối với sISLM(P = 0,506).

Hình 1. Đường cong sống thêm toàn bộ giữa hai nhóm không có sự khác biệt

Trong phân tích đa biến ở nhóm mISLM, tình trạng di căn hạch nách và điều trị hóa chất là hai yếu tố có liên quan đến OS. Trong phân tích đa biến ở nhóm sISLM, kích thước u tiên phát và xạ trị hạch thượng đòn là hai yếu tố có liên quan đến OS.

KẾT LUẬN

Những bệnh nhân ung thư vú di căn hạch thượng đòn bất kể là denovo hay tái phát, đều có kết quả điều trị tương đương với bệnh giai đoạn IIIB và do đó nên được coi là bệnh tại chỗ-tại vùng. Tuy là hai tình huống lâm sàng khác nhau, hai nhóm bệnh nhân đều tương tự nhau về các đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tỷ lệ sống thêm trong khi chỉ khác nhau về các yếu tố tiên lượng. Điều trị theo cá thể và điều trị đa mô thức được khuyến khích ở những bệnh nhân này.                                                                

Những bài viết liên quan

Để lại bình luận