Ung thư vú di căn hạch thượng đòn (cN3c) – Kết quả của điều trị đa mô thức

bởi Trần Trung Bách
157 lượt xem

Bài viết này được lược dịch từ bài báo có nhan đề: “Outcomes After Multimodality Therapy in Modern Breast Cancer Patients Presenting With Clinical N3c Supraclavicular Node Involvement” đăng trên tạp chí International Journal of Radiation Oncology – Biology – Physics của Hội Xạ trị ung thư Hoa Kỳ (ASTRO) tháng 7 năm 2021.

Nhóm tác giả K.Diao1, L.M.Andring2, C.H.Barcenas2, P.Singh2, H.Le- Petross2, N.R.Ahmad2, L.L.Mayo2, G.H.Perkins2, M.P.Mitchell2, K.T.Nead2, B.D.Smith2, W.A.Woodward2 đến từ trung tâm Ung thư MD Anderson (Texas, Hoa Kỳ).

https://doi.org/10.1016/j.ijrobp.2021.07.249

Mục tiêu nghiên cứu:

Di căn hạch thượng đòn cùng bên (cN3c) tại thời điểm chẩn đoán là một dấu hiệu dự báo kết cục điều trị không mấy khả quan. Xạ trị có một vai trò quan trọng trong chiến lược quản lý nhóm bệnh nhân này, khi nhóm hạch thượng đòn không nằm trong phạm vi vét hạch thường quy của phẫu thuật. Tuy nhiên, kết quả điều trị và các yếu tố tiên lượng cho người bệnh trong kỷ nguyên của các phác đồ bổ trợ trước mổ tân tiến vẫn chưa được hiểu biết rõ ràng.

Phương pháp/Công cụ nghiên cứu:

Chúng tôi hồi cứu các trường hợp ung thư vú cN3c, không có di căn xa, đã được điều trị tại trung tâm ung thư MD Anderson trong khoảng thời gian từ 2014 đến 2019 với chiến lược triệt căn gồm hóa trị tân bổ trợ (NeoAdjuvant Chemotherapy – NAC), phẫu thuật và xạ trị bổ trợ sau mổ.

Tất cả bệnh nhân đều nhận được xạ trị các chặng hạch bao gồm hạch thượng đòn, hạ đòn và vú trong. Hướng dẫn thực hành tại trung tâm khuyến cáo một liều tăng cường 10 Gy đến thể tích hạch thượng đòn nếu đã đạt đáp ứng hoàn toàn sau NAC hoặc sẽ là 16 Gy nếu không đáp ứng hoàn toàn.

Các dữ liệu về mức liều xạ ban đầu và liều tăng cường, đáp ứng trên mô bệnh học và cách thức vét hạch được thu thập. Tỷ lệ kiểm soát bệnh tại chỗ, tại vùng, tỷ lệ không có di căn xa và sống thêm toàn bộ được thống kê và phân tích với thuật toán Kaplan Meier. Mô hình Cox đa biến được sử dụng nhằm xác định các biến số có liên quan đến OS với p<0,01.

Các kết quả:

Tổng số dữ liệu của 176 bệnh nhân được đưa vào phân tích. Trung vị thời gian theo dõi là 2,83 năm. Trung vị độ tuổi người bệnh là 54 tuổi. Phân bố người bệnh theo đặc điểm hóa mô miễn dịch: 76 (43%) có ER+/HER2-, 20 (11%) có ER+/HER2+, 26 (15%) có ER-/HER2+ và 54 (31%) có ER-/HER2-.

102 (57%) bệnh nhân có khối u T3 hoặc T4, 41 (23%) được cắt thùy vú, 142 (81%) được xác nhận cN3c bằng mô bệnh học và 10 (6%) trường hợp được vét hạch cổ.

Trung vị mức liều xạ trị ban đầu là 50 Gy (Khoảng, 44 – 56,25). Tăng cường 10 Gy tại hạch thượng đòn (Khoảng, 6 – 16), và 156 (89%) bệnh nhân nhận liều cộng gộp tại nhóm hạch thượng đòn >= 60 Gy.

Tỷ lệ OS 3 năm, sống thêm không có di căn xa, kiểm soát tại vùng và tại chỗ được ghi nhận lần lượt tương ứng là 79%, 64%, 93% và 96%. Với mức liều cộng gộp tại nhóm hạch thượng đòn >= 60 Gy, OS 3 năm đạt 81% so với 61% (p = 0,03). Trong số các bệnh nhân đạt pCR tại hạch sau NAC, tỷ lệ OS theo mức liều tại nhóm hạch thượng đòn >= 60 Gy so với < 60 Gy lần lượt là 93% so với 53% (p = 0,03).

Trong phân tích đa biến, liều cộng gộp trên nhóm hạch thượng đòn >= 60 Gy, tình trạng xâm lấn ngoài hạch, trạng thái ER, HER2, số lượng hạch vét được và điểm toàn trạng theo ECOG là những yếu tố có liên quan đến OS (Bảng 1).

HR (95% CI)Giá trị p
Liều xạ cộng gộp trên hạch thượng đòn >= 60 Gy
– Có
– Không

0,27 (0,11 – 0,65)

0,004
Trạng thái ER
– Dương tính
– Âm tính

0,14 (0,06 – 0,33)

<0,001
Trạng thái HER2
– Dương tính
– Âm tính

0,22 (0,07 0,64)

0,005
Số lượng hạch vét được
– Với mỗi hạch nhiều hơn

0,97 (0,94 -1,00)

0,06
Xâm lấn ngoài hạch
– Có
– Không

4,73 (2,21 – 10,2)

< 0.001
Toàn trạng ECOG
– 0 – 1
– 2

0,15 (0,04 – 0,60)

0,007

Kết luận:

Với một nhóm thuần tập bệnh nhân ung thư vú cN3c được điều trị trong những năm gần đây với chiến lược phối hợp đa mô thức, mức liều xạ trị cộng gộp tại nhóm hạch thượng đòn >= 60 Gy được ghi nhận liên quan đến OS cải thiện. Mặc dù dữ liệu này chưa cho phép xác nhận mức liều xạ trị tối ưu, một liều tăng cường vào vùng hạch thượng đòn nên được xem xét thực hiện cho các bệnh nhân cN3c với ý tưởng điều trị triệt căn, bên cạnh việc tôn trọng các giới hạn liều đến các cơ quan lành.

Dịch: BS. Trần Trung Bách

Những bài viết liên quan

Để lại bình luận