BSNT. Trần Trung Bách
A. Gián đoạn ngoài dự kiến liệu trình xạ trị triệt căn – Những nguyên nhân phổ biến?
Nội dung chính
Liệu trình xạ trị tiêu chuẩn được diễn ra theo hình thức “Trải liều”, khi đó, một tổng liều sẽ được chia nhỏ thành các phân liều, mỗi phân liều/ngày trong 5 ngày làm việc/tuần.
Những kiến thức về sinh học trong xạ trị đã cho chúng ta hiểu rõ khoảng thời gian giữa các lần chiếu xạ (Giữa các phân liều) là cần thiết cho quá trình sửa chữa (“Reparation”) các tổn thương do bức xạ ở các tế bào lành của cơ thể. Tuy nhiên, hiện tượng phục hồi “không mong muốn” cũng sẽ xảy ra ở các tế bào ung thư, và dẫn đến sự tái lập số lượng của quần thể tế bào ung thư (“Repopulation”). Để đạt được kết quả tối ưu, liệu trình xạ trị cần được hoàn thành trong thời gian dự kiến. Việc gián đoạn, kéo dài liệu trình sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả điều trị.
Theo một thống kê trên những bệnh nhân ung thư đầu cổ được thực hiện tại RCR (Royal College of Radiologist – UK), có 63% bệnh nhân có ít nhất 1 đợt gián đoạn liệu trình xạ trị. Những nguyên nhân thường gặp gồm:
- Ngày nghỉ nhân các dịp lễ
- Sự cố hệ thống máy xạ trị
- Những vấn đề liên quan đến người bệnh: Yếu tố tâm lý, tác dụng phụ trong liệu trình điều trị…
B. Ảnh hưởng của thời điểm và khoảng thời gian gián đoạn đến kết cục điều trị: Có hay không? Như thế nào?
Ngày càng có nhiều hơn dữ kiện y văn đưa ra bằng chứng cho thấy việc gián đoạn ngoài dự kiến liệu trình xạ trị dẫn đến kéo dài tổng thời gian điều trị sẽ làm xấu đi kết quả kiểm soát tại chỗ và tỷ lệ điều trị khỏi với một số bệnh lý ung thư. Nhận định này đã được ghi nhận với các tình huống:
- Xạ trị triệt căn
- Xạ trị bổ trợ sau phẫu thuật triệt căn
- Kết hợp xạ trị áp sát và xạ trị ngoài
- Hóa xạ trị kết hợp
Những bệnh lý ung thư được báo cáo chịu ảnh hưởng nhiều nhất của gián đoạn liệu trình xạ trị, gồm có:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy vùng đầu cổ (HNSCC)
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư phổi tế bào nhỏ và không tế bào nhỏ
- Ung thư thực quản
- U nguyên bào tủy và các khối u ngoại bì thần kinh nguyên phát (PNET)
- Ung thư biểu mô tế bào vảy của hậu môn.
Một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi trên thực hành lâm sàng rằng những khối u có độ ác tính càng cao, tốc độ phát triển càng nhanh thì ảnh hưởng của việc gián đoạn liệu trình xạ trị càng rõ rệt, mặc dù, chúng ta chưa có đầy đủ dự liệu bằng chứng đối với tất cả các thể khối u. Ngược lại, các khối u tiến triển chậm như ung thư biểu mô tuyến tiền liệt ít chịu tác động của việc kéo dài liệu trình xạ trị do những gián đoạn ngoài dự kiến.
Ngưỡng tối thiểu của khoảng thời gian gián đoạn sẽ gây ra các ảnh hưởng đáng kể trên kết quả kiểm soát tại chỗ, rất khó để xác định. Kết quả từ các nghiên cứu liệu trình xạ trị ngắt quãng (Split-Course therapy) cho thấy việc gián đoạn 14-16 tuần chắc chắn có ảnh hưởng đến kết cục điều trị. Tỷ lệ kiểm soát khối u tại chỗ giảm tương đối 3-25% (trung vị 14%) với mỗi tuần lễ kéo dài thêm liệu trình xạ trị. Dữ liệu trên những bệnh nhân HNSCC, ung thư cổ tử cung và phổi cho thấy mỗi một ngày gián đoạn ngoài dự kiến, nếu không được quản lý “bù liều”, tỷ lệ kiểm soát tại chỗ sẽ giảm tuyệt đối 1,0-1,4%.
Ý nghĩa của thời điểm xảy ra gián đoạn trong liệu trình điều trị vẫn còn là một đề tài tranh luận. Hiện tượng tái lập quần thể tế bào u được ghi nhận thường trở nên mạnh mẽ sau 28 ngày kể từ khi bắt đầu liệu trình xạ trị, thể hiện qua hệ số k (Yếu tố xác định liều xạ trị đã “bị bỏ phí” do sự tái lập quần thể tế bào u). Giả thuyết đặt ra là khoảng gián đoạn nếu xảy ra ở một liệu trình xạ trị ngắn hoặc trước ngày thứ 28 của một liệu trình xạ trị dài ngày sẽ có những ảnh hưởng khác biệt so với khi xảy ra ở giai đoạn sau của liệu trình. Và chiến lược bù liều trong 2 trường hợp, vì thế, sẽ khác nhau. Khắc phục cho việc gián đoạn ở giai đoạn sau của liệu trình xạ trị sẽ khó khăn hơn, thường đòi hỏi một số phân liều xạ lớn hơn trong một thời gian ngắn, dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện của các tác dụng phụ muộn.