Tổng quan | Bệnh học u lympho không Hodgkin – phần 2

bởi Trần Trung Bách
128 lượt xem

U lympho không Hodgkin không đơn giản chỉ là một bệnh, đó là một nhóm đa dạng các khối u với những đặc tính sinh học và lâm sàng khác biệt, nhưng có cùng nguồn gốc từ các tế bào bạch cầu lympho.
Phân loại được sử dụng rộng rãi hiện nay của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – 2018) sử dụng định kiểu hình miễn dịch, các đặc điểm sinh học phân tử, gen và các yếu tố lâm sàng để sắp xếp các dưới nhóm của u lympho không Hodgkin.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa nguồn gốc tế bào u và đặc tính lâm sàng trong u lympho không Hodgkin.

U lympho không Hodgkin (ULPKHK) được phân thành hai nhóm chính: u lympho dòng tế bào B và u lympho dòng tế bào T, dựa trên nguồn gốc phát sinh của các tế bào u. Các tế bào lympho B phát sinh u lympho dòng tế bào B, chiếm tỷ lệ 88% ULPKHK. Các tế bào lympho T phát sinh u lympho dòng tế bào T, 12% ULPKHK. Mức độ bộc lộ các dấu ấn bề mặt và các globulin miễn dịch thay đổi tuỳ theo loại tế bào lympho và giai đoạn biệt hoá của nó. Phân tích các đặc điểm này là phương pháp hữu hiệu giúp xác định bản chất của khối u. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải lưu ý, không một dấu ấn miễn dịch nào đặc hiệu riêng biệt cho một loại khối u.
Bài viết dưới đây chỉ có tham vọng trình bày sơ lược các phân nhóm u lympho không Hodgkin theo phân loại của WHO với các thông tin cơ bản cần thiết nhất về đặc điểm dịch tễ, sinh học phân tử và đặc tính lâm sàng, dành cho bác sĩ lâm sàng ung thư.

Phần 2: U lympho tế bào T trưởng thành

2.1. U lympho tế bào T ngoại vi, không phải những thể đặc biệt khác – Peripheral T-cell lymphoma, not otherwise specified (6%)

– Thể u lympho tế bào T phổ biến nhất tại các nước phương Tây
– Đặc điểm lâm sàng, bệnh học không đồng nhất
– Trung vị tuổi mắc bệnh: 60
– Tỷ lệ mắc nổi trội ở nam giới
– Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn III/IV (70%)
– Được xếp vào nhóm u lympho tiến triển nhanh
– Thường biểu hiện tại hạch, tuỷ xương, lách, da và cả các cơ quan ngoài hạch khác
– Kiểu hình miễn dịch: CD4+ > CD8+, CD10-, Bcl 6-, CD30 +/-, CD56 +/-, đặc trưng với CD20 –

2.2. U lympho tế bào lớn bất thục sản – Anaplastic large cell lymphoma (2%)

– U lympho tế bào T tiến triển nhanh, được chia làm 2 nhóm dựa trên ALK dương tính hay âm tính, những trường hợp có ALK – thường gặp ở người lớn tuổi cùng với tiên lượng xấu hơn
– Trung vị tuổi mắc bệnh là 33 với thể ALK + (có thể gặp ở cả trẻ em) và 45-50 với thể ALK –
– Tỷ lệ mắc bệnh nổi trội ở nam giới
– Giai đoạn III/IV chiếm 60-70% tại thời điểm phát hiện bệnh
– Biểu hiện tại hạch, các cơ quan ngoài hạch, không thường gặp ở da, phổi và các mô mềm

– Kiểu hình miễn dịch: CD30 +(mạnh), ALK + với thể ALK +

2.3. Các rối loạn tăng sản tế bào T CD30 + tiên phát tại da – Primary cutaneous CD30 + T-cell lymphoproliferative disorders (<1%)

– Bao gồm một phổ rộng các bệnh lý của tế bào T CD30 + từ u lympho tế bào lớn bất thục sản tiên phát tại da (primary cutaneous anaplastic large cell lymphoma – cALCL) đến lymphomatoid papulosisđa số đều là các tổn thương da lành tính và có khả năng tự hồi phục
– c-ALCL: trung vị tuổi mắc bệnh là 60, thường gặp hơn ở nam giới, biểu hiện bởi tổn thương da dạng nốt đơn độc, tổn thương đa ổ gặp ở 20% số trường hợp, lan tràn sang các vị trí khác ngoài da xảy ra ở 10% bệnh nhân, thường là các hạch bạch huyết.
– Lymphomatoid papulosis: tuổi trung vị mắc bệnh là 45, thường gặp hơn ở nam giới, biểu hiện bởi tổn thương da dạng sẩn thường gặp ở khu vực đầu chi hoặc thân mình, tự hồi phục sau một vài tuần, tuy nhiên đi kèm với nguy cơ phát triển thành các thể u lympho khác (dưới 5%), thường là c-ALCL, mycosis fungoides hoặc u lympho Hodgkin.

2.4. Mycosis fungoides và hội chứng Sézary

– Là thể u lympho tế bào T tiên phát tại da phổ biến nhất
– Thường phát hiện bệnh từ độ tuổi 60
– Đặc trưng với những tổn thương da dạng dát tiến triển dần thành các mảng rồi hình thành các tổn thương u, quá trình này thường kéo dài nhiều năm
– Có đặc tính tiến triển chậm (Indolent)
– Kiểu hình miễn dịch: CD2 +, CD3 +, TCRB +, CD4 +, CD8 –
– Hệ thống phân loại giai đoạn duy nhất được sử dụng trên lâm sàng, dựa trên mức độ biểu hiện tại da và/không biểu hiện tại hạch.

– Tiên lượng phụ thuộc mức độ lan rộng của bệnh: những trường hợp ở giai đoạn có tổn thương u hoặc tổn thương ban đỏ da trên 90% diện tích da hoặc xuất hiện hiện tượng chuyển dạng mô học (histological transfomation), có tiên lượng xấu.
– Hội chứng Sérazy: đặc trưng bởi tổn thương ban đỏ da, nổi hạch lan toản và sự hiện diện của tế bào Sérazy tại bệnh phẩm sinh thiết da, hạch và máu ngoại vi. Hội chứng Sérazy được xem như một hình thái tiến triển của mycosis fungoides.

2.5. U lympho tế bào T nguyên bào miễn dịch mạch máu – Angioimmunoblastic T-cell lymphoma (2%)

– Thể u lympho tiến triển nhanh, trung vị tuổi mắc bệnh là 65, tỷ lệ mắc ưu thế hơn ở nam
– Đặc trưng với tính chất lan tràn của bệnh, trên 90% chẩn đoán ở giai đoạn IV, với triệu chứng nổi hạch lan toản toàn thân, rất thường gặp thâm nhiễm lách, gan và tuỷ xương, có thể kèm theo biểu hiện nổi ban ngoài da và tràn dịch đa màng
– Các rối loạn bất thường về miễn dịch kết hợp như thiếu máu tan máu, tăng immunoglobin huyết thanh…

– Kiểu hình miễn dịch: các dấu ấn của tế bào T (CD3+, CD2+, CD4+, CD5+), và tế bào phản ứng CD8+.

2.6. Bệnh bạch cầu dòng tế bào T ở người trưởng thành – Adult T-cell leukaemia (<1%)

– Một bệnh lý tân sản dòng tế bào T ngoại vi gây ra với HTLV-1
– Phân bố chủ yếu tại các vùng dịch tễ ở khu vực Caribbean, đông nam Nhật Bản
– Trung vị tuổi mắc bệnh là 62, tỷ lệ mắc ưu thế ở nam
– Thường có bệnh cảnh lan tràn, đặc trưng bởi nổi hạch toàn thân, tế bào u xuất hiện trong máu ngoại vi và thâm nhiễm da, cũng như các cơ quan ngoài hạch khác (phổi, lách, xương, gan và hệ thần kinh trung ương)
– Tăng canxi máu rất thường gặp
– Những thể lâm sàng khác được ghi nhận gồm: thể tiến triển chậm, mãn tính và thể cấp tính
– Kiểu hình miễn dịch: CD2+, CD3+, CD5+, CD25+

2.7. U lympho tế bào T kết hợp bệnh lý ruột – Enteropathy-associated T-cell lymphoma (<1%)

– Hiếm gặp, được ghi nhận ở những khu vực có tỷ lệ gặp bệnh celiac cao như các nước Bắc Âu
– Thể u lympho tiến triển nhanh, thường biểu hiện tại ruột non, gây ra các tổn thương loét và/hoặc thủng ruột
– Tình trạng kém dinh dưỡng kéo dài có thể là dấu hiệu báo động cho chẩn đoán thể u lympho này, và dẫn đến bệnh cảnh toàn trạng suy sụp thường gặp trên lâm sàng khi phát hiện bệnh.

– Kiểu hình miễn dịch: CD3+, CD5-, CD7+, CD8 +/-, CD4-, CD103+, CD30 +/-

2.8. U lympho tế bào T/NK ngoài hạch týp mũi – Extranodal NK/T-cell lymphoma nasal type (<1%)

– Thể u lympho ngoài hạch, rất rất hiếm gặp ở châu Âu, tỷ lệ mắc cao hơn ở châu Á, Mexico và Nam Phi
– Trung vị tuổi mắc bệnh: 50
– Tỷ lệ mắc bệnh ưu thế ở nam
– Đa số trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn IE
– Diễn biến lâm sàng ác tính với biểu hiện xâm lấn, phá huỷ các tổ chức lân cận và hoại tử u
– Thường biểu hiện tại khoang mũi và/hoặc các xoang cạnh mũi, và vòng bạch huyết Waldeyer, hiếm thâm nhiễm da, tinh hoàn hay hạch bạch huyết. Bệnh có thể lan tràn nhanh chóng đến các cơ quan ngoài hạch như phổi, gan, ống tiêu hoá và tuỷ xương
– Có thể gây ra hội chứng thực bào máu
– Kiểu hình miễn dịch: CD2+, CD56+, CD3 bề mặt -, CD3 bào tương + và EBV +

2.9. U lympho nguyên bào lympho (2%)

 – Thường được xếp loại cùng với u lympho, không đích thực là bệnh lý tân sản của tế bào T trưởng thành mà phù hợp hơn với các tế bào tiền lympho T, còn có tên gọi bệnh bạch cầu nguyên bào lympho (lymphoblastic leukemia)
– Có thể gặp ở các người lớn và trẻ em
– Thường biểu hiện với khối u trung thất, thâm nhiễm tuỷ xương (khi tế bào blast ở tuỷ xương chiếm trên 25%, bệnh được gọi tên bệnh bạch cầu)

2.10. Những thể u lympho tế bào T hiếm gặp khác:

– Những thể tiến triển chậm:
Bệnh bạch cầu lympho T tế bào hạt lớn – T‐cell large granular lymphocytic leukaemia
Rối loạn tăng sản dòng lympho mạn tính dòng tế bào NK – Chronic lymphoproliferative disorder of NK cells
– Những thể tiến triển nhanh:
Bệnh bạch cầu tế bào tiền T – T‐cell prolymphocytic leukaemia
Bệnh bạch cầu tế bào NK tiến triển nhanh – Aggressive NK‐cell leukaemia

Bệnh tăng sinh dòng lympho tế bào T EBV(+) ở trẻ em – EBVpositive Tcell lymphoproliferative disease of childhood
U lympho tế bào T gan-lách – Hepatosplenic Tcell lymphoma
Subcutaneous panniculitislike Tcell lymphoma
U lympho tế bào T ngoại vi tiên phát tại da, týp hiếm gặp – Primary cutaneous peripheral Tcell lymphomas, rare subtypes


Biên soạn từ Cẩm nang lâm sàng ung thư học UICC phiên bản 9.

Những bài viết liên quan

Để lại bình luận