Ung thư tụy là một trong những bệnh lý ung thư ác tính nhất của hệ tiêu hóa. 75% các khối u ác tính của tụy nằm ở vị trí đầu tụy, khi đó phẫu thuật cắt khối tá tụy (Pancreatoduodenectomy – PD) là phương pháp điều trị triệt căn duy nhất đối với bệnh lý này. Tuy nhiên, các nghiên cứu ước tính chỉ có 20% bệnh nhân ung thư tụy còn chỉ định phẫu thuật tại thời điểm chẩn đoán. Những trường hợp không thể cắt bỏ tại thời điểm chẩn đoán, thường là những trường hợp ung thư vùng đầu tụy có xâm lấn động mạch (động mạch thân tạng – ĐM TT, động mạch gan chung – ĐM GC hoặc động mạch mạc treo tràng trên – ĐM MTTT), sẽ được xếp và nhóm gianh giới cắt bỏ (borderline resectable) hoặc không thể cắt bỏ (unrectable). Với những trường hợp này, một trong những hy vọng cho bệnh nhân là điều trị hóa chất tiền phẫu, sau đó đánh giá lại khả năng phẫu thuật sau 3-6 chu kỳ.
Với đặc điểm là một trung tâm phẫu thuật tụy lớn, tại Trung tâm Phẫu thuật Tiêu hóa, Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi đã tiếp nhận và điều trị thành công cho nhiều trường hợp như trên bằng cách phối hợp đa mô thức cũng như nhiều kỹ thuật mổ khó và chuyên sâu. Trong đó có một trường hợp bệnh nhân nữ, 30 tuổi, được chẩn đoán ung thư đầu tụy xấm lấn ĐM MTTT (Hình 1). Thông qua hội chẩn đa chuyên khoa, bệnh nhân được hóa trị tiền phẫu theo phác đồ hóa chất FOLFIRINOX và đánh giá lại sau 6 chu kỳ. Kết quả cho thấy bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị, thể hiện trên cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, khối u giảm kích thước, không còn thấy hình ảnh thâm nhiễm quanh ĐM MTTT (Hình 2).
Hình 1. Kết quả chẩn đoán hình ảnh trước hóa trị: Hình ảnh u đầu tụy lan rộng xung quanh (Khoanh vàng), bao quanh động mạch (mũi tên đỏ) và tĩnh mạch mạc treo tràng trên, gây hẹp 90% tĩnh mạch mạc treo tràng trên (mũi tên xanh) |
Hình 2. Kết quả chẩn đoán hình ảnh sau hóa trị: Hình ảnh tổn thương thâm nhiễm vùng mỏm móc đầu tụy (Khoanh vàng) (tổn thương giảm kích thước so với phim chụp cũ không còn thấy hình ảnh thâm nhiễm quanh ĐM MTTT (Mũi tên đỏ) hay gây hẹp TM MTTT (Mũi tên xanh)
Bệnh nhân đã được tiến hành phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch đầu tiên theo hai đường. Đây là kỹ thuật cắt khối tá tụy tiếp cận ĐM MTTT (Artery first-approach) theo hai đường, nạo vét hạch mở rộng và lấy toàn bộ tổ chức liên kết phía sau đầu tụy nằm giữa tĩnh mạch cửa, ĐM MTTT và ĐM TT (TRIANGLE procedure) (Hình 3). Việc tiếp cận ĐM MTTT đầu tiên (Artery first-approach) theo hai đường (Phía sau – Posterior và sau trái – Left Posterior) mang lại nhiều ưu điểm hơn so với kỹ thuật tiếp cận thông thường cũng như tiếp cận ĐM MTTT đầu tiên theo một đường:
- Lấy được toàn bộ mạc treo tụy triệt để nhất, vét hạch tốt hơn.
- Giúp cắt tĩnh mạch MTTT trở nên thường quy và an toàn.
- Đánh giá sớm liên quan khối u với ĐM MTTT để xác định chính xác khả năng cắt bỏ cũng như bảo tồn ĐM gan phải khi có biến đổi giải phẫu
- Giảm khả năng mất máu và phải truyền máu bằng cách thắt sớm động mạch tá tụy dưới.
Đồng thời, việc nạo vét hạch mở rộng và lấy toàn bộ tổ chức liên kết phía sau đầu tụy nằm giữa tĩnh mạch cửa, ĐM MTTT và ĐM TT (TRIANGLE procedure) giúp đảm bảo hiệu quả về mặt ung thư học, đạt được tính triệt căn trong phẫu thuật mà không làm tăng thêm tỷ lệ tử vong hay biến chứng sau mổ, đã được chứng minh bằng các nghiên cứu trên thế giới [1-3]. Kết quả giả phẫu bệnh sau mổ là ung thư biểu mô tuyến ống của tụy giai đoạn T1bN0, với các tổ chức và diện cắt, đặc biệt là tổ chức quanh ĐM MTTT, không có tế bào ung thư xâm nhập.
Hình 3. Phẫu thuật TRIANGLE cắt khối tá tụy tiếp cận động mạch đầu tiên theo hai đường (Hình 3a – phía sau và 3b – phía sau trái), nạo vét hạch mở rộng và lấy toàn bộ tổ chức liên kết phía sau đầu tụy nằm giữa tĩnh mạch cửa, ĐM MTTT và ĐM TT (Hình 3c và 3d).
Như vậy, với việc áp dụng phối hợp đa mô thức cũng như nhiều kỹ thuật mổ khó và chuyên sâu, chúng tôi đã điều trị thành công cho những trường hợp ung thư tụy giai đoạn tiến triển, mang lại hy vọng sống cho bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hackert T, Strobel O, Michalski CW, Mihaljevic AL, Mehrabi A, Müller-Stich B, Berchtold C, Ulrich A, Büchler MW: The TRIANGLE operation – radical surgery after neoadjuvant treatment for advanced pancreatic cancer: a single arm observational study. HPB 2017, 19(11):1001-1007.
2. Zhai S, Huo Z, Wang Y, Qian H, Zhao S, Shi Y, Weng Y, Deng X, Shen B: TRIANGLE operation for borderline resectable pancreatic cancer in total pancreatectomy. Translational Cancer Research 2019, 8(6):2416-2424.
3. Klotz R, Hackert T, Heger P, Probst P, Hinz U, Loos M, Berchtold C, Mehrabi A, Schneider M, Müller-Stich BP et al: The TRIANGLE operation for pancreatic head and body cancers: early postoperative outcomes. HPB 2022, 24(3):332-341.